Lại chẳng giống New York, nơi người ta chỉ đi thu gom rác ở các hộ gia đình hai lần mỗi tuần, Crofton sạch tinh tươm và thơm tho cả trong những ngày cuối tuần.

Mặc dù nước Mỹ chuẩn bị vào Thu nhưng mùa chuyển nhà thường bắt đầu từ đầu Hè đến nay vẫn còn nhộn nhịp. Cuối tuần vừa rồi tôi tình cờ ghé nhà ông Andy Mason, một nhà sưu tập đĩa hát cổ, vừa mới dọn từ Thủ đô Washington về vùng Crofton của bang Maryland. Nơi ở mới của ông cách nơi ở cũ chỉ 45 phút lái xe.
Andy Mason, nay 65 tuổi bảo rằng, chỉ hôm trước nhận sổ hưu là hôm sau ông chuyển nhà ngay lập tức. “Tôi chẳng thấy có lý do gì để ở lại thủ đô cả. Chật chội, đi đâu đỗ xe cũng khó và đắt đỏ”, ông phàn nàn.


Người Mỹ thích sống ở đâu? (Ảnh: minh họa)

Crofton dù chưa từng lọt vào danh sách bầu chọn Top 50 những nơi đáng sống nhất ở Mỹ của bất cứ tổ chức hay tờ báo nào, nhưng sau vài tiếng lòng vòng ở đấy tôi thấy ông Andy có lý.

Tôi không có cơ hội xem xét thành phố ấy một cách chính thống như hệ thống trường học môi trường, lịch sử hay thời tiết, mà chỉ theo những tiêu chí giản đơn mà người Mỹ vẫn hay lấy làm căn cứ. Mỗi lần đi bơm xăng vào chiếc xe SUV Suburban to đùng, ông Andy lại tiết kiệm được gần chục USD bởi xăng ở Crofton chỉ chưa đến 3,3 USD/gallon (hơn 3,5 lít) trong khi ở thủ đô là gần 4 USD. Mỗi bình sữa 1 gallon ông mua trong siêu thị cũng tiết kiệm cho ông hơn nửa USD. Mỗi một lần cắt tóc ông cũng chỉ phải trả khoảng 15 USD trong khi ở Washington đi kiếm chỗ cắt tóc ở khu của người da trắng có giá 20 USD đôi khi là bất khả thi. Ngay cả vé xem phim ngoài rạp ở đấy cũng chỉ trên dưới 10 USD, rẻ hơn khoảng 30%. Và Andy bảo, ở nơi ông mới dọn đến, xe nhiều lúc vẫn cắm chìa trong ổ, trong khi ông cũng chưa nghĩ tới việc phải đi mua súng cất dưới gối.

Nhưng anh chị đừng hình dung rằng Crofton ấy hoang vu. Nó giống như một khu dân cư mới (thành lập chưa đầy 60 năm). Chỉ mất chừng năm phút lái xe, ông Andy có thể tới một khu mua sắm với các siêu thị tổng hợp và nhà hàng. Hoặc chạy xe thêm chừng 15 phút là có ngay, từ Wallmart tới Costco hay Target, Macys…, những hệ thống đại siêu thị hàng đầu và đồng thời là những cái tên kiến tạo việc làm hàng đầu ở Mỹ. Lại chẳng giống New York, nơi người ta chỉ đi thu gom rác ở các hộ gia đình hai lần mỗi tuần, Crofton sạch tinh tươm và thơm tho cả trong những ngày cuối tuần.

Hóa ra, những người như ông Andy không hiếm. Thậm chí chiếm đa số ở Mỹ. Báo cáo của PRB, một tổ chức chuyên nghiên cứu về dân số có trụ sở ở Washington D.C gần đây cho biết, có tới 51% dân Mỹ sống ở ngoại ô, trong khi tỷ lệ sống trong nội thị chỉ là 33%, và số còn lại sống ở các vùng nông thôn xa xôi.

Crofton không phải là điển hình nhất, nhưng nó phần nào phản ánh xu hướng chọn nơi sống của người Mỹ: Chi phí sinh hoạt rẻ, không xô bồ, chất lượng giáo dục cao, cơ hội tìm kiếm việc làm nhiều, mà đời sống văn hóa giải trí vẫn đầy ắp.

Ngoại ô ở Việt Nam cũng thế, chắc nhiều người cũng bỏ phố về quê.

Chúc anh chị sức khỏe và hẹn gặp lại tuần sau!