Ngoài đèn hình tròn 3 màu Xanh-Vàng-Đỏ ở giao lộ giống Việt Nam, Mỹ còn có đèn hình mũi tên cũng 3 màu Xanh-Vàng-Đỏ dành cho PTGT rẽ trái.
Luật giao thông trên thế giới về cơ bản là giống nhau nhưng với những điểm khác thì thường sẽ khác biệt một cách rõ rệt. Bài viết sau đây sẽ nêu lên những lưu ý khác biệt giữa luật giao thông Việt Nam và Mỹ, giúp người Việt mới sang định cư tại đây sẽ bớt ngỡ ngàng khi tham gia giao thông.
Trên thực tế nhiều người ở Việt Nam lái xa gần 30 năm nhưng khi qua Mỹ thi bằng lái lại bị chấm rớt, với một lý do khiến họ ngạc nhiên là khi qua ngã tư đèn xanh, anh ta lại giảm tốc độ. Cũng có một câu chuyện khôi hài về giao thông xảy ra ở Ý, một đoàn du khách nước ngoài ngồi trên xe đang hồn vía lên mây vì bác tài cứ qua ngã tư đèn đỏ là bác lại vượt. Rồi đến khi gặp ngã tư đèn xanh bác này lại dừng, mọi người ngạc nhiên hỏi anh ta sao không chạy, anh ta trả lời: “Không được đâu. Bây giờ mình mà chạy qua thì mấy thằng vượt đèn đỏ nó đụng mình chết !”.
Đó là sự khác biệt dẫn tới những hệ quả mà không phải chỉ người Việt mới gặp phải. Chính vì thế, việc tìm hiểu giao thông ở một đất nước mình sắp đặt chân đến kể cả khi đi định cư hoặc du lịch là một điều hết sức cần thiết. Dưới đây, tôi xin trích một số vấn đề chính về giao thông Mỹ giúp người Việt mới sang bớt ngỡ ngàng khi tham gia giao thông:
1/ Rẽ phải ở ngã tư đèn đỏ
Ở Việt Nam, khi đến ngã tư gặp đèn đỏ, các phương tiện giao thông (PTGT) chỉ được phép rẽ phải khi có biển báo “Được phép quẹo phải khi đèn đỏ”; nếu không có, phải dừng lại chờ đèn xanh mới được rẽ.
Ở Mỹ thì ngược lại. Đến ngã tư gặp đèn đỏ, PTGT luôn được phép rẽ phải mà không cần chờ đèn xanh miễn là quan sát và nhường ưu tiên cho các xe ở chiều lưu thông có đèn xanh. PTGT chỉ bị cấm rẽ phải khi có biển báo không được rẽ khi đèn đỏ: NO TURN ON RED.
2/ Đèn tín hiệu
Ngoài đèn hình tròn 3 màu Xanh-Vàng-Đỏ ở giao lộ giống Việt Nam, Mỹ còn có đèn hình mũi tên cũng 3 màu Xanh-Vàng-Đỏ dành cho PTGT rẽ trái.
Ở Mỹ, chiều giao thông rẻ trái được xem là một chiều riêng biệt, có đèn tín hiệu dùng riêng. PTGT rẽ trái sẽ theo sự điều khiển của đèn mũi tên này mà di chuyển, không cản trở các chiều chạy thẳng.
Ở VN, trước đây chiều giao thông rẽ trái được mặc định dùng chung đèn tín hiệu với chiều giao thông chạy thẳng (tức là khi đèn xanh, chiều giao thông chạy thẳng và chiều giao thông rẽ trái đều cùng được phép di chuyển). Điều này gây ra tình trạng kẹt xe vì bị cản bởi PTGT chạy thẳng của chiều ngược lại. Hiện nay, nhiều tuyến đường ngã tư lớn cũng đã áp dụng phương cách mũi tên rẽ trái.
3/ Làn rẽ trái/phải (turning lane)
Ngoài đèn tín hiệu dùng riêng, PTGT rẽ trái còn có làn xe riêng để lưu thông hoặc để dừng chờ đèn xanh. Làn xe này thường chỉ là một đoạn ngắn gần giao lộ.
Làn xe rẽ phải hiện đang trống vì không xe nào chuẩn bị rẻ phải
4/ Làn trung chuyển (Middle turning lane)
Ngoài làn rẻ ở đầu giao lộ, Mỹ còn một làn xe nằm ở giữa đường, giữa 2 chiều giao thông ngược nhau, giúp PTGT muốn đổi chiều giao thông thì rẽ vào làn này dừng chờ, rồi di chuyển khi chiều giao thông ngược lại đã vắng xe.
5/ Ở Mỹ, có giao lộ nào không có đèn rẽ trái không? CÓ. Nhưng cách xử lý cho PTGT rẽ trái trong trường hợp này sẽ là:
Khi lái xe muốn rẽ trái nhìn thấy đèn xanh (đèn xanh hình tròn, giành cho PTGT đi thẳng) bật lên, họ có quyền chạy dấn lên theo hướng chạy thẳng đến phân nửa đường (của chiều giao thông đang đèn đỏ ) thì dừng lại, chờ đến khi bớt hoặc hết xe của chiều lưu thông ngược lại, lúc đó là lúc an toàn để rẽ trái.
Có khi bạn sẽ gặp biển nhắc nhở phải nhường đường cho làn xe ngược chiều ở trường hợp này: LEFT TURN YIELD ON GREEN.
6/ Giao lộ không đèn tín hiệu
Có những giao lộ không có đèn xanh đèn đỏ. Ở đây sẽ có các biển báo dừng chờ (STOP SIGN).
Khi các xe chạy đến giao lộ này, bên nào có biển dừng chờ sẽ phải nhường ưu tiên đi trước cho bên không có biển báo dừng chờ. Lưu ý, nếu không có xe nào khác ở các chiều ưu tiên, lái xe vẫn cứ phải dừng lại, miệng nhẩm đếm 1,2,3 rồi mới chạy tiếp.
Nếu cả 4 chiều đều có STOP SIGN (phía dưới có thêm biển ALL WAY hoặc 4 WAY) thì lưu thông theo thứ tự xe nào đến trước được chạy trước (FIRST COME FIRST GO).
Lỗi STOP SIGN là lỗi các lái xe VN thường mắc phải, người Mỹ thì cực kỳ nghiêm túc trong việc tôn trọng STOP SIGN. Ở giao lộ có STOP SIGN, mổi lần chạy chỉ được 1 xe mà thôi; mỗi xe đều phải thực sự dừng lại ngay trước STOP SIGN rồi mới được chạy.
7/ Ai có quyền ưu tiên?
Ưu tiên một là con người, tức khách bộ hành. Ở mỹ khi thấy khách bộ hành đặt chân xuống lòng đường cho dù không đúng chổ dành cho khách bộ hành, bạn vẫn phải dừng xe lại và nhường quyền ưu tiên lưu thông cho họ. Điều này vừa là luật và là một nét văn hoá rất nhân bản của Mỹ.
Cũng trong diện ưu tiên này, đáng lưu ý nhất là học sinh. Khi thấy xe đưa rước học sinh dừng bên đường, đèn đỏ chớp tắt hoặc có khi còn có cả bảng STOP chìa ra, thì lập tức dừng xe lại chờ vì có thể có trẻ con băng qua đường.
8/ Ở Mỹ có bắn tốc độ không?
Đây là điều hiển nhiên có. Tốc độ quy định cho xa lộ ( Freeway hoặc highway) cơ bản là 65mph (=104km giờ).
9/ Nếu bạn bị cảnh sát thổi
Ở Mỹ, không có cảnh sát chạy ra giữa đường cầm gậy chỉ bạn tấp vào lề. Họ thường đậu bên lề đường, khi thấy bạn phạm lỗi, họ sẽ lái xe chạy sau xe bạn, cùng làn xe với bạn, tiếp cận xe bạn từ phía sau, chớp đèn để bạn có thể nhìn thấy họ từ kính chiếu hậu.
Thật ra, trước khi tiến đến xe bạn, họ vẫn ngồi trong xe, quan sát bạn từ phía sau và chờ bạn làm các thao tác sau đây:
– Ngồi yên trong xe, không bước xuống xe.
– Quay kính xe xuống để họ có thể nhìn rõ bên trong xe bạn. Mở đèn trong xe nếu trời tối.
– Đặt hai tay lên tay lái và chờ họ đến.
Họ sẽ yêu cầu bạn cho xem ba loại giấy tờ:
1. Driver license (bằng lái xe)
2. Car registration (giấy đăng ký xe)
3. Car insurance (giấy bảo hiểm xe)
10/ Nếu bạn bị tại nạn giao thông
– Không tranh cải thậm chí chửi bới đối phương, giữ lịch sự.
– Lấy thông tin xe đối phương (3 loại giấy tờ như kể trên) và cung cấp cho đối phương cũng những thông tin ấy.
– Ghi lại nơi xảy ra tai nạn và tình huống để báo cáo với hãng xe.
0 Comments