Tuy nhiên, đây là một loại visa rất khó và cơ hội để được cấp visa rất thấp, vì vậy nếu có bất kỳ ai đó đưa ra lời tư vấn hoặc lời khuyên quý vị hãy nộp visa tỵ nạn, hãy suy nghĩ cẩn thận và tham khảo thêm những lời khuyên khác. Vì một khi visa tỵ nạn bị từ chối sẽ rất khó để xin những loại visa khác.


Visa Úc – Đã có nhiều lời rỉ tai, mách bảo trong các cộng đồng rằng visa tỵ nạn có thể xem là một phương cách cuối cùng để xin thường trú Úc chỉ với lời khai đơn giản rằng mình không thể về quê nhà vì bị đàn áp. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy!

Visa tỵ nạn là gì?

Có hai loại visa dành cho những người tỵ nạn:

Refugee visa (subclass 200): dành cho những người rời bỏ quốc gia nguyên quán vì lý do bị đàn áp, ngược đãi, đến sống tạm trú ở một quốc gia khác và nộp hồ sơ xin visa tỵ nạn vào Úc
Protection visa (subclass 866): visa thường trú dành cho những người đến Úc bằng một visa hợp pháp sau đó nộp đơn xin visa bảo vệ tại Úc.
Bài viết này sẽ trình bày trong khuôn khổ visa bảo vệ, là loại visa khá phổ biến trong cộng đồng di dân.

Những yêu cầu cơ bản của visa tỵ nạn?

Trước hết, theo đạo luật Di trú 1958, những người tỵ nạn là những người đã rời bỏ quốc gia nguyên quán và không thể trở về vì họ có một nỗi sợ hãi có căn cứ sẽ bị đàn áp, ngược đãi vì những lý do sau đây:

Chủng tộc
Tôn giáo
Bất đồng chính kiến
Quốc tịch
Thành viên của một hội nhóm xã hội nào đó
Nước Úc đã cam kết thực hiện Công ước Tỵ nạn, theo đó, Úc có trách nhiệm bảo vệ người tỵ nạn và bảo đảm họ không phải trở về nơi họ có nguy cơ bị đàn áp vì những lý do trên.

Như vậy, để được Bộ Di trú xem xét hồ sơ tỵ nạn, người nộp hồ sơ phải chứng minh được mình có nỗi sợ hãi sẽ bị đàn áp, ngược đãi vì một trong 5 lý do kể trên.

Thứ nhất là lý do chủng tộc. Ví dụ các vụ xung đột sắc tộc ở Nam Sudan khiến rất nhiều người thiệt mạng, hoặc các cuộc đàn áp dã man của chính phủ Myanmar đối với người thiểu số Rohingya khiến người Rohingya phải chạy trốn sang Bangladesh.
Thứ hai là lý do tôn giáo. Đã có nhiều quốc gia trên thế giới phải đổ máu vì các cuộc xung đột tôn giáo, giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo như Indonesia, giữa các dòng Hồi giáo như ở Syria, Iraq, hay Hồi giáo và Phật giáo ở Myanmar.
Thứ ba là lý do bất đồng chính kiến. Ở Việt Nam hiện nay đã có những vụ bị cho là đàn áp vì đã nói lên chính kiến của mình trong nhiều lĩnh vực. Nhưng nếu người đó không được sang Úc bằng một visa hợp pháp thì cũng không thể xin được visa bảo vệ.
Thứ tư là lý do quốc tịch. Nổi bật nhất là những người có gốc gác Do Thái bị đàn áp trong Đệ nhị Thế Chiến khiến rất nhiều phải bỏ trốn sang Hoa Kỳ và các quốc gia khác, hoặc xung đột giữa Israel và Palestine.
Thứ năm là lý do xuất thân từ một thành phần xã hội nào đó hoặc là thành viên của một hội nhóm nào đó. Chẳng hạn những người đồng tính bị kỳ thị hoặc bị đàn áp ở Indonesia hay ở Nga.
Trong tất cả các lý do kể trên, dù người xin visa tỵ nạn đã bị ngược đãi, đàn áp, hoặc họ chỉ mới sợ hãi, lo lắng cho sự an nguy của bản thân, thì tất cả đều phải được thể hiện bởi bằng chứng, chẳng hạn lệnh bắt giam, giấy chứng nhận đã tham gia vào một hội nhóm đặc biệt, hình ảnh, giấy chứng thương bị hành hung, lời khai nhân chứng…

Cơ hội xin visa bảo vệ đối với cộng đồng người Việt

Yêu cầu của Bộ Di trú đối với visa bảo vệ chỉ là chứng minh vì sao người xin visa lại có nỗi sợ hãi, thế nhưng để chứng minh được điều này không phải là điều đơn giản, và chắc chắn phải dựa trên rất nhiều chứng cứ độc lập chứ không chỉ riêng lời khai của một cá nhân.

Lời khai phải nhất quán, có những người khai rằng mình bị chính quyền trong nước đàn áp và không thể trở về, nhưng trước đó khi sang Úc lại đi bằng visa sinh viên được học bổng do chính phủ cấp.

Có những sinh viên hoặc người đi du lịch sang Úc, sau đó tham gia vào các hoạt động biểu tình và xin visa bảo vệ, với những trường hợp này, khả năng bị từ chối hồ sơ rất cao vì sự đàn áp hay ngược đãi chưa từng xảy ra trước đây, người đó sống yên ổn ở Việt Nam và gia đình ở Việt Nam cũng không bị liên luỵ gì.

Lời khai phải hợp lý. Có nhiều người xin visa tỵ nạn với lý do là người đồng tính, sợ quay về nước bị kỳ thị, nhưng thực tế phản ứng của xã hội Việt Nam đối với người đồng tính không thể gọi là đàn áp hay ngược đãi, và họ không bị nguy hại đến tính mạng nếu quay về nước với lý do đồng tính.

Đối với cộng đồng người Việt, rất khó để Bộ Di trú chấp nhận visa tỵ nạn với lý do chủng tộc, tôn giáo, hay đồng tính, vì khi xét duyệt hồ sơ, Chính phủ Úc vẫn phải căn cứ trên các bản phúc trình nói về các phản ứng của xã hội và chính quyền đối với những thành phần này.

Với chính sách nhân đạo của Úc, một khi nộp hồ sơ visa bảo vệ, Bộ Di trú sẽ cấp ngay bridging visa để người nộp đơn được ở hợp pháp tại Úc, do đó nhiều người đã lợi dụng chính sách này để kéo dài thời gian sinh sống tại Úc.

Tuy nhiên, đây là một loại visa rất khó và cơ hội để được cấp visa rất thấp, vì vậy nếu có bất kỳ ai đó đưa ra lời tư vấn hoặc lời khuyên quý vị hãy nộp visa tỵ nạn, hãy suy nghĩ cẩn thận và tham khảo thêm những lời khuyên khác. Vì một khi visa tỵ nạn bị từ chối sẽ rất khó để xin những loại visa khác.