Sau một thời gian, từ các mối liên hệ gia đình cũng như xã hội, những người Việt nhập cư vào nước Mỹ đều tập trung tại một số vùng ở Mỹ.
Có đến 40% trong số gần 1,3 triệu người Việt ở Mỹ sống tại bang California, chủ yếu ở quận Cam, Los Angeles và Santa Clara. Đây là con số thống kế theo đài phát thanh 89.3KPCC (California, Mỹ), công bố ngày 25.8.2014.
Khu buôn bán ở Westminster, một phần của quận Cam được gọi là Little Sài Gòn ở bang California, Mỹ – Ảnh: Flickr/Creative Commons
Số liệu này do Viện chính sách nhập cư công bố, tính đến năm 2012.
Chỉ riêng 3 địa điểm nói trên ở California có số người Việt chiếm đến 25% tổng số cả nước Mỹ. Để so sánh, con số người Việt định cư ở một số nước khác là Úc (226.000 người), Canada (185.000) và Pháp (128.000 người).
“Việc tập trung theo địa lý này rất lý thú”, theo nhận xét của bà Jeanne Batalova của Viện chính sách nhập cư.
Bà Batalova cho biết số lượng người Việt ở Mỹ tập trung đông đảo ở California là từ sau năm 1975, còn trước đó họ sống rải rác ở nhiều nơi tại Mỹ. Sau một thời gian, từ các mối liên hệ gia đình cũng như xã hội, những người Việt nhập cư vào nước Mỹ đều tập trung tại một số vùng ở Mỹ.
Miền nam California, bang Texas và ven vùng vịnh Louisiana là những nơi thu hút đông người Việt ở Mỹ vì khí hậu ấm áp, cơ hội việc làm ở các ngành nông nghiệp và đánh cá, theo bà Batalova. Theo đó, California thu hút 40% người Việt, kế đến là Texas (12%), bang Washington (4%), Florida (4%), Virginia (3%).
Còn bà Linda Trinh Vo, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại đại học California thì cho rằng: “Người ta nhận thấy ở đây có nhiều đền chùa, chợ, hàng quán, báo chí, giải trí, đặc biệt là đối với những người hạn chế về tiếng Anh”. Đó là lý do vì sao khu Little Saigon ở nam California thu hút đông người Việt đến sống.
Bà Trinh Vo cũng nhận định rằng không lấy làm ngạc nhiên khi thấy người Việt ở Mỹ chọn California làm nơi định cư, dù nơi đây đã có các cộng đồng người Hoa, người Nhật: “Thật dễ dàng cho người nhập cư đến đây ở, tại nơi thân thiện và ít có chuyện phân biệt chủng tộc”.
Ngày nay, người Việt ở Mỹ là cộng đồng nhập cư lớn thứ 6 tại Mỹ (tính đến năm 2012), với con số gần 1,3 triệu người so với khoảng 231.000 người năm 1980, tức đã tăng gấp 5 lần. Sự gia tăng mạnh mẽ nhất vào những năm 1980 – 1990, mỗi thập niên tăng gấp đôi. Tính đến năm 2012, người Việt ở Mỹ chiếm 3% trong tổng số 40,8 triệu người Mỹ gốc nước ngoài và là cộng đồng châu Á lớn thứ 4 sau Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc.
Tuy nhiên các thập niên gần đây sự gia tăng này đã chậm lại. Thời những năm 1990, người Việt nhập cư vào Mỹ là đi cả đại gia đình, còn ngày nay người Việt vào Mỹ không có quy chế tị nạn. Thay vào đó, họ chủ yếu là các thành viên đại gia đình của những người nhập cư tại Mỹ. Hiện người thân muốn có thẻ xanh theo diện đoàn tụ gia đình có thể phải mất khá nhiều năm.
Còn bà Trinh Vo thì nói sự gia tăng của người Việt chậm lại vì lý do các thế hệ thứ hai và thứ ba có gia đình riêng nhỏ hơn so với thế hệ cha mẹ họ.
Cũng theo kết quả của Viện chính sách nhập cư, tính đến tháng 1.2012 có khoảng 160.000 người Việt nhập cư bất hợp pháp, chiếm 1% trong tổng số 11,4 triệu người nhập cư dạng này tại Mỹ. Năm 2013, người Việt tại Mỹ gửi về nước lượng kiều hối ước 11 tỉ USD, theo World Bank.
So với tổng số dân nhập cư tại Mỹ, người Việt có khả năng hạn chế về trình độ tiếng Anh và ít có khả năng được giáo dục đại học. Tuy nhiên họ có nhiều khả năng hơn so với tổng thể cộng đồng nhập cư về việc được nhập quốc tịch Mỹ, có thu nhập cao hơn và tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn, và có bảo hiểm nhiều hơn.
Vài con số lý thú là tính đến năm 2012, có đến 68% người Việt ở Mỹ đạt chứng chỉ Trình độ tiếng Anh hạn chế (từ 5 tuổi trở lên) so với 47% của cộng đồng đông nam châu Á ở Mỹ, và chỉ có 7% người Việt nói tiếng Anh tại nhà so với tỉ lệ 11% của cộng đồng nhập cư đông nam châu Á và 15% của tổng số người nhập cư.
Nghề dịch vụ được nhiều người Việt ở Mỹ chọn nhất so các cộng đồng nhập cư khác và cả dân Mỹ chính gốc.
Thu nhập của người Việt ở Mỹ đạt trung bình 55.736 USD/năm, thấp hơn mức 65.488 USD của người nhập cư đông nam châu Á nhưng cao hơn tổng thể người nhập cư (46.983 USD) và cao hơn người sinh ra tại Mỹ (51.975 USD).
Năm 2013 người Việt đã gửi về nước lượng kiều hối khoảng 11 tỉ USD theo các kênh chuyển tiền chính thức, chiếm 6% GDP của Việt Nam, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
0 Comments