Đề xuất đã được thông qua vào năm ngoái và hiện nay Viet, con trai của anh Vu Le, đang theo học trong một ngôi trường hoàn thiện.

Lớp học của cậu bé Viet, 2 tuổi, được trang trí bằng lồng đèn và những chiếc ô màu sắc buông xuống từ trần nhà như đèn chùm. Tất cả thành viên trong lớp đều là người da màu, kể cả giáo viên.
Theo Seattle Globalist, lớp của Viet là một trong 3 lớp tại trường mẫu giáo Hoa Mai, ngôi trường song ngữ Anh – Việt đầu tiên ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ. Học sinh của trường gồm cả người da màu và da trắng.

Dù trường mới đi vào hoạt động được hơn một tháng nhưng đây là tâm huyết suốt 7 năm qua của Hội Hữu nghị Việt Nam (VFA). Trong hai năm 2009-2011, VFA đã ngồi lại với các gia đình gốc Việt ở Seattle để xác định những mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng.


Học sinh tại trường mẫu giáo tiếng Việt đầu tiên ở Seatle

Họ đều nhận thấy việc thế hệ con cái của mình không biết gì về văn hóa Việt Nam và tiếng mẹ đẻ là nỗi lo ngại hàng đầu, James Hong, chủ tịch điều hành VFA, cho hay.

“Và cùng lúc đó, chúng tôi biết rằng tại Seattle, rất nhiều học sinh người Việt gặp phải những rào cản trong học tập”, cựu chủ tịch VFA Vu Le nói. “Đó là khi chúng tôi nảy ra ý tưởng về một trường mẫu giáo nơi chúng tôi có thể dạy cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, dạy và quảng bá nền văn hóa”.

VFA đã phối hợp với một trung tâm về nghệ thuật và giải pháp chăm sóc trẻ em để vạch ra dự án xây dựng ngôi trường này, kịp thời với đề xuất phổ cập giáo dục mầm non cho toàn bộ trẻ em 3-4 tuổi của chính quyền thành phố.

Đề xuất đã được thông qua vào năm ngoái và hiện nay Viet, con trai của anh Vu Le, đang theo học trong một ngôi trường hoàn thiện.
Ngôn ngữ đi liền với văn hóa

Trong một lớp học, giá sách kê gần cửa sổ có cả những cuốn truyện cổ tích như “Bộ quần áo mới của hoàng đế” và những cuốn truyện hiện đại bằng tiếng Việt như “Nấm con dũng cảm”. Vào một buổi sáng cuối tuần gần đây, các học sinh được ăn đào và bánh mỳ dẹt. Tuần trước, bữa trưa của các em là bánh taco, salad dưa chuột và gà nấu cà ri chanh ăn cùng mỳ gạo.

Những chi tiết này đều được sắp đặt theo chủ ý của ban quản lý trường Hoa Mai. Một trong những nguyên lý cốt lõi của trường là phản ánh văn hóa không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn phải bằng các đạo cụ, các câu chuyện, bài hát dân gian, hình ảnh, bà Gloria Hodge, giám đốc trường Hoa Mai, giải thích.

Trường dành các buổi sáng thứ hai, tư, sáu cho các tiết dạy nói và học tiếng Việt, trong khi các buổi chiều học sinh được dạy tiếng Anh. Hai ngôn ngữ được dạy luân phiên trong ngày thứ ba và thứ năm.

Tại khu vực Seattle, nhiều nhà thờ, ngôi chùa và nhóm cộng đồng người Việt mở các lớp dạy tiếng, nhưng anh Hong cho hay chúng chỉ diễn ra vào thứ bảy hàng tuần.

Ông Hong sinh ra ở California, với bố mẹ là người gốc Việt. Là một phần của hệ thống giáo dục ưu tiên tiếng Anh, lại thiếu cơ hội học tiếng Việt, anh cũng như nhiều người Mỹ gốc Việt khác đều có chung nỗi niềm về tiếng mẹ đẻ.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục ở Seattle hiện nay đã hỗ trợ việc nói nhiều ngôn ngữ, chương trình giáo dục mầm non (SPP) của thành phố cũng dự kiến cung cấp các chương trình song ngữ với nhiều ngôn ngữ hơn trong tương lai.

Trường Hoa Mai và các điểm phổ cập mầm non khác ở Seattle đều miễn học phí cho các gia đình có mức thu nhập dưới 300% của mức đói nghèo theo quy định liên bang.

Susan Nguyen, một cư dân South Seattle, đã đăng ký cho con trai là Aiden, học chương trình song ngữ ở trường Hoa Mai ngay từ khi trường mở cửa.

“Mỗi khi về nhà, thằng bé lại kể cho tôi nghe về bài hát mà nó được học, nó hát cho tôi nghe, khoe tôi tranh vẽ”, cô kể. “Aiden kể với tôi rằng nó đã học phát âm tên mình và được rất nhiều đồ ăn ngon”.

Ban đầu, Nguyen rất lo lắng và ngày nào cũng gọi điện đến trường vào bữa trưa để kiểm tra tình hình con trai. “Thằng bé luôn luôn được gia đình tôi chăm lo và hơi bướng nên tôi không biết tình hình thế nào”, cô nói.

Tuy nhiên, nhà trường đã trấn an cô và Aiden cũng tỏ ra rất vui vẻ khi đi học. Aiden kể rằng cậu bé có rất nhiều bạn ở trường, dù Nguyen chưa gặp chúng.

“Thằng bé đã mạnh dạn hơn khi ở cạnh những đứa trẻ khác”, cô nói.

Aiden, 5 tuổi, có thể hiểu được một ít nhưng chưa nói được tiếng Việt ở nhà và đang cố gắng.

“Tôi rất vui khi được bạn mình giới thiệu ngôi trường này”, Nguyen nói.