Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em(CSPA) được thành hình để bảo vệ việc xếp loại diện di dân của một cá nhân được xem là trẻ em khi người này quá tuổi vì thời gian xét duyệt quá lâu.

Chương trình EB5 là diện đầu tư định cư cho tương lai của cả gia đình, khi vợ/chồng và con cái dưới 21 tuổi chưa lập gia đình của nhà đầu tư đều được đi định cư cùng. Theo đó, việc xác định tuổi tác của người con tại thời điểm nào cũng trở thành vấn đề mà không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ.
Vậy, Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em (CSPA) là gì?
Trong điều luật di trú, “trẻ em” được định nghĩa là một người độc thân và dưới 21 tuổi. Cho đến tháng 8/2002, bất cứ trẻ em nào trên 21 tuổi trước khi nhận được quy chế thường trú nhân thì sẽ không được xem là một đứa trẻ theo mục đích di trú. Tình trạng này được xem là “quá tuổi”. Quốc Hội Hoa Kỳ nhận thấy rằng nhiều người đã quá tuổi vì thời gian duyệt xét hồ sơ quá lâu đưa đến số lượng hồ sơ chưa được giải quyết quá nhiều. Chính vì thế, Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em(CSPA) được thành hình để bảo vệ việc xếp loại diện di dân của một cá nhân được xem là trẻ em khi người này quá tuổi vì thời gian xét duyệt quá lâu.


Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em (CSPA)

Đạo luật CSPA được tính như thế nào?
Theo đạo luật CSPA, độ tuổi của đối tượng này được xác định theo công thức: lấy số tuổi của người con vào thời điểm hồ sơ I-526 được chấp thuận (với điều kiện hạn mức visa EB-5 trong năm đó vẫn còn) trừ đi thời gian thụ lý hồ sơ. Nếu tính công thức trên mà kết quả đứa trẻ dưới 21 tuổi thì chúng sẽ đủ điều kiện trở thành người phụ thuộc để đi định cư cùng bố mẹ.

Ví dụ: Vào thời điểm đơn I-526 được chấp thuận (hạn mức visa EB5 trong năm đó vẫn còn) người con đã 22 tuổi nhưng thời gian thụ lý đơn I-526 kéo dài đến 18 tháng nên theo công thức trên thì người này vẫn được xét là đối tượng phụ thuộc vì chỉ mới 20 tuổi 6 tháng.

Khi chương trình EB-5 mới ra đời, lượng hồ sơ chưa nhiều nên được xử lý liên tục, thời điểm đó luật chương trình vẫn còn đơn giản nên cũng không cần thiết phải áp dụng công thức trên. Nhà đầu tư chỉ cần biết mốc thời gian là ngày bắt đầu nộp đơn I-526, nếu con cái họ dưới 21 tuổi tại thời điểm đó thì xem như thỏa điều kiện.

Càng ngày lượng hồ sơ tồn đọng càng gia tăng đã khiến việc xét duyệt bị trì trệ, ảnh hưởng đến độ tuổi của con cái nhà đầu tư. Vì vậy, việc cho ra đời công thức CSPA được xem như tiêu chuẩn tính tuổi con cái phụ thuộc một cách chuẩn xác và công bằng nhất đối với gia đình nhà đầu tư.

Đạo Luật CSPA đối với diện bảo lãnh?
Vì chưa quen thuộc với đạo luât CSPA Em nên nhiều gia đình có suy nghĩ sai lầm rằng nếu con cái họ trên 21 tuổi thì đều không hợp lệ để xin chiếu khán đến Hoa Kỳ. Trên thực tế, nhiều em trong mức từ 21 đến 23 tuổi hay lớn hơn nữa vẫn có cơ hội được hưởng Đạo Luật CSPA.

Cụ thể như sau:
Nếu đứa trẻ là thân nhân trực hệ của một công dân Hoa Kỳ thì tuổi của em sẽ đứng lại vào thời điểm Sở Di Trú nhận được đơn bảo lãnh (I-130). Nếu đứa trẻ dưới 21 tuổi vào ngày đơn bảo lãnh được nhận, đứa trẻ sẽ không bị xem là “quá tuổi”. Nếu một đứa trẻ trở thành thân nhân trực hệ qua việc quốc tịch hóa của người bảo lãnh, thì tuổi của em sẽ đứng lại vào ngày người bảo lãnh chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.

Trong trường hợp Thường Trú Nhân, Đạo Luật CSPA cho phép trừ thời gian đơn bảo lãnh chờ duyệt vào tuổi thật của người được bảo lãnh để người này không bị thiệt thòi khi Sở Di Trú chưa thể giải quyết hồ sơ. Nếu đơn bảo lãnh được chấp thuận và ngày ưu tiên đã đáo hạn trước khi “tuổi theo Đạo Luật CSPA” đến 21, đứa trẻ sẽ vẫn được duy trì tình trạng là trẻ em. Khi ngày đáo hạn bị trở lui, nếu “tuổi theo đạo luật CSPA” của trẻ dưới 21 tuổi vào thời điểm đầu tiên hồ sơ đáo hạn để được phỏng vấn thì sẽ được giữ đứng lại ở dưới 21 tuổi.

Đối với những diện theo thứ tự ưu tiên và những đơn bảo lãnh có thêm thành viên đi theo, “Tuổi theo Đạo Luật CSPA” của đứa trẻ được ấn định vào ngày mà chiếu khán (visa) dành cho diện này đã sẵn sàng. “Tuổi theo Đạo Luật CSPA” của đứa trẻ sẽ là tuổi sau khi trừ đi thời gian mà đơn bảo lãnh chờ duyệt xét với tuổi thực của đứa trẻ vào ngày chiếu khán của diện bảo lãnh sẵn sàng được cấp. Sau khi tính toán nếu “Tuổi theo Đạo Luật CSPA” dưới 21, đứa trẻ sẽ không bị xem là “quá tuổi” vì mục đích của đơn xin diện thường trú nhân.

Trung tâm Chiếu Khán Quốc Gia (NVC) có thể quyết định việc áp dụng đạo luật CSPA cho trẻ trên 21 tuổi trước khi gửi hồ sơ bảo lãnh cho Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam và hiện nay Lãnh sự sẽ đảm nhận việc xét duyệt này. Tuy nhiên, người tham gia chương trình định cư Mỹ theo diện đầu tư EB5 cũng cần biết rõ cách tính tuổi để hoàn thiện hồ sơ tốt nhất.