Ngày nay, Powwow thường được tổ chức trong nhiều ngày. Trong những ngày này những người bản địa sẽ mặc trang phục dân tộc và trang điểm bằng những món đồ thủ công tinh xảo nhất, sau đó thực hiện những lễ nghi tín ngưỡng của mình, hát, múa và đánh trống gần như không nghỉ.

Vào bất kỳ ngày nào trong năm, trên đất nước Canada rộng lớn đều có lễ hội hoặc một sự kiện đặc biệt nào đó đang diễn ra. Đó có thể là ngày lễ chúng với các nước khác như Giáng sinh, Phục sinh, hoặc lễ của riêng người dân Canada nhưng được cả thế giới biết đến như Liên hoan Stragford hay Hội đuổi bắt Calgary. Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội nhỏ mang bản sắc văn hóa đặc trưng, quan trọng của một cộng đồng người bản xứ hay người nhập cư ở Canada.

GIÁNG SINH

Giáng sinh ngày 25 tháng 12 hàng năm là lễ hội hội chính của tín đồ Thiên chúa giáo Canada cũng như tín đồ Thiên chúa giáo toàn thế giới. Ở một số nơi dọc theo bờ biển phía Đông, bữa tiệc truyền thống có thể bao gồm những sản vật như cá hồi, tôm hùm và sò bắt được ở bờ biển địa phương.

Ngoài thưởng thức, một phần khác cũng không thể thiếu trong Giánh sinh là trang hoàng. Cây thông được trang hoàng đèn màu cùng thật nhiều quà tặng để dưới gốc cây. Nhiều người còn trang trí nhà và vườn với đèn màu các loại để ngôi nhà thêm rực rỡ, nổi bật trên nền tuyết trắng mùa đông.

Vào dịp giáng sinh ở ác tỉnh Newfoundland và Nova Scotia còn có một truyền thống gần giống như trong lễ Halloween- gọi là Mummuring, phổ biến ở các ngôi làng và thị trấn nhỏ hơn là ở các thành phố lớn. Trong 12 ngày trong mùa lễ Giáng sinh, các nhóm nhỏ đeo mặt nạ đến từng nhà, rung chuông , hát hò và xin kẹo bánh. Ở một số nơi, nếu chủ nhà không đoán được người đeo mặt nạ là ai thì cũng sẽ ‘’phải’’ vui vẻ tham gia cùng bầu đoàn huyên náo này.

LỄ PHỤC SINH

Lễ Phục Sinh vào cuối tháng 3 hay đầu tháng 4 còn mang nhiều màu sắc tôn giáo hơn cả lễ Giáng sinh. Những người công giáo chuẩn bị cho lễ Phục sinh bằng việc ăn chay 40 ngày trong mùa chay, ngày cuối cùng của tuần chay là thứ Sáu thánh, gợi nhớ lại khổ hình và tuẫn nạn của Jesus Christ trên cây thánh giá. Sự đau buồn được thay thế bằng niềm vui trong ngày chủ nhật Phục sinh mà theo niềm tin của người Thiên chúa giáo, đó là ngày chúa Jesus sống lại.


Lễ Phục Sinh ở Canada.

Trong dịp này thế nào cũng phải có bánh ngọt hình thánh giá – những chiếc bánh bột nhỏ nhân gia vị, đường có hình thánh giá trên mặt. Ngoài ra còn có kẹo sô-cô-la hình con thỏ và trứng Phục sinh có nguồn gốc từ những phong tục thời tiền thiên chúa giáo, tượng trưng cho sự no đủ và cuộc đời mới.

LỄ TẠ ƠN

Người ta thường nói về sự khác biệt về thời điểm tổ chức lễ Tạ ơn giữa hai nước lớn vùng Bắc Mỹ. Nếu như người Mỹ tổ chức vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 thì người Canada tổ chức vào ngày thứ Hai, tuần thứ hai của tháng 10. Khoảng thời gian này đúng vào mùa thu hoạch ở Canada. Thêm vào đó, nguồn gốc ngày lễ Tạ ơn của người Canada cũng có mối liên hệ chặt chẽ hơn với truyền thống của tổ tiên châu Âu của mình.

Mặc dù có sự khác nhau về ngày tháng và nguyên do, nhưng người dân Canada kỷ niệm lễ Tạ ơn cũng không có quá nhiều khác biệt với những người láng giềng phía Nam của mình. Ngày này, những thành viên trong gia đình tụ tập trong bữa tối với những món ăn truyền thống như gà tây quay dùng với sốt việt quất, bánh bao, khoai tây, rau xanh và tráng miệng bằng bánh nướng nhân bí ngô…

NGÀY TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ TRẬN VONG

Ngày Tưởng niệm Chiến sĩ trận vong dành để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong hai cuộc đại chiến thế giới, chiến tranh Triều Tiên cũng như tất cả các cuộc chiến khác có sự tham gia của quân đội Canada.

Trong ngày 11 tháng 11, người dân Canada làm lễ kỷ niệm tại các thành phố và thị trấn. Thành viên trung đoàn Hoàng gia Canada cùng các đơn vị khác tập trung làm lễ kỷ niệm và tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh vì đất nước. Người ta ngâm bài thơ In flanders fields do cựu đại tác John McCrae ở Guelph, Ontario sáng tác.

QUỐC KHÁNH

Quốc khánh Canada là quốc lễ kỷ niệm ngày 1 tháng 7 năm 1867 , khi đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh được ban hành, hợp nhất ba thuộc địa của Anh quốc thành một quốc gia duy nhất lấy tên là Canada.

Vào ngày này, mọi thành phố lớn nhỏ đều tổ chức ăn mừng, thủ đô Ottawa tổ chức lễ lớn, thu hút nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước, người dân bày tỏ lòng ái quốc của mình dưới nhiều hình thức như đi xe đạp xuyên Canada, trồng cây…

NHỮNG LỄ HỘI RIÊNG

Người dân Canada có nhiều xuất xứ khác nhau, sự đa dạng được thể hiện qua nhiều lễ hội có xuất xứ, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau. Qua những lễ hội thường niên này, mỗi cộng đồng kỷ niệm và tán dương những di sản văn hóa của mình.

Từ rất lâu trước khi những người châu Âu đến Canada, người bản địa đã tổ chức những hội mùa hay nghi lễ tín ngưỡng riêng của mình; người Objiway tổ chức lễ tạ vào mùa xuân để tiễn mùa đông và vào mùa thu để cầu mong vụ mùa bội thu; người bản địa ở bờ Tây có lễ Potlatch; còn người vùng đồng bằng tổ chức những lễ hội văn hóa sống động gọi là Powwow…

POTLATCH

Potlatch – lễ tặng quà – là một thông lệ của các cộng đồng người bản xứ vùng ven bờ Thái Bình Dương, được tổ chức để đánh dấu những nghi lễ kết nạp, viếng người chết hoặc kỷ niệm tấn phong của một tù trưởng mới.

Trong lễ Potlach, có thể kéo dài vài ngày, từ trưởng mời mọi người tới ăn uống, nhảy múa và tặn quà cho những khách mời. Giá trị của món quà tương xứng với địa vị xã hội của khách và uy tín của chính vị tù trưởng đó. Uy tín của từ trưởng càng lớn thì tặn phẩm của ông ta càng giá trị ; rồi khi đến lượt những vị khách mời này tổ chức Potlach, họ sẽ phải tặng món quà giá trị hơn nếu không muốn bị xấu mặt. Một tù trưởng có thể bị nghèo đi sau lễ tặng quà nhưng rồi sẽ được bù đắp lại khi đến lượt mình được mời.

Lễ tặng quà có vai trò quan trọng trong việc xác lập địa vị, tầng lớp và đặc quyền của người bản địa, tuy nhiên đã từng bị cấm đoán. Năm 1951, Chính quyền dỡ bỏ lệnh cấm, tục tặng quà lại tiếp tục nhưng không còn được tổ chức rầm rộ như trước đây.

POWWOW

Từ một từ Algonquin cổ, có nghĩa là thầy mo, Powwow là nghi lễ chữa bệnh mà thông qua đó người bản địa bày tỏ niềm tự hào về nền văn hóa của mình.

Ngày nay, Powwow thường được tổ chức trong nhiều ngày. Trong những ngày này những người bản địa sẽ mặc trang phục dân tộc và trang điểm bằng những món đồ thủ công tinh xảo nhất, sau đó thực hiện những lễ nghi tín ngưỡng của mình, hát, múa và đánh trống gần như không nghỉ.