Hơn 160 hãng công nghệ, trong đó có Amazon, Facebook và Alphabet, đã cùng nhau lên án sắc lệnh hành pháp về nhập cư của ông Trump.

Chính sách “visa khởi nghiệp” nhằm mục đích thu hút nhân tài là công dân nước ngoài đến Mỹ đầu tư bị hoãn lại thay vì sẽ được thực thi vào ngày 17-7 như dự kiến. Nguyên nhân được ông Trump đưa ra là để hạn chế làn sóng nhập cư vào Mỹ.
Chương trình visa khởi nghiệp được biết với tên gọi Luật doanh nhân quốc tế và được giới công nghệ Mỹ tại Thung lũng Silicon đặc biệt hoan nghênh, chính sách visa khởi nghiệp từng được thông qua vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama.

Theo chương trình visa khởi nghiệp, để nhận được visa này, các doanh nhân phải sở hữu ít nhất 15% một hãng khởi nghiệp Mỹ, phải chứng minh được tiềm năng tăng trưởng của công ty, huy động được vốn từ các nhà đầu tư tên tuổi của Mỹ và có thể mang lại “lợi ích lớn cho Mỹ”. Luật này cho phép họ ở Mỹ tối đa 2 năm. Sau đó, họ có thể nộp đơn gia hạn thêm 3 năm nữa nếu công ty chứng minh được sức tăng trưởng và lợi ích cho người dân Mỹ, như tạo ra việc làm, doanh thu, tăng đầu tư vốn. Tại thời điểm đó, chính quyền Mỹ ước tính có khoảng 3.000 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cấp visa này. Chương trình dự kiến được thực thi vào ngày 17.07 năm nay.

Tuy nhiên, vừa mới đây, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố trì hoãn kế hoạch cấp visa khởi nghiệp mà chính quyền tiền nhiệm thông qua. Nhà Trắng thông báo sẽ tạm dừng thực thi chính sách này tới ngày 14-3 năm sau và trong thời gian đó sẽ đánh giá lại chương trình. Nguyên nhân được ông Trump đưa ra là để hạn chế làn sóng nhập cư vào Mỹ.


Tổng thống Trump loại bỏ các chính sách từ thời nguyên TT Obama để hạn chế nhập cư vào Mỹ.

Giới công nghệ giận dữ vì việc hoãn chương trình visa khởi nghiệp này.

Báo Seattle Times cũng ghi nhận phản ứng giận dữ của giới lãnh đạo công nghệ tại Seattle sau quyết định này của chính quyền.

Ông Michael Schutzler – người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp công nghệ Washington, cũng là người từng góp phần xây dựng luật visa khởi nghiệp – bức xúc: “Rất nhiều người muốn khởi nghiệp, nhưng cơ chế cấp visa hiện tại của chúng ta về cơ bản lại đang trục xuất những doanh nhân đó, một điều thực sự điên rồ”.

Cũng theo ông Schutzler, các doanh nhân khởi nghiệp nhập cư chiếm một tỉ lệ lớn trong nhóm các doanh nhân đã và đang góp phần mở mang cho ngành công nghiệp của Seattle.
Do đó, nếu chính sách visa của Mỹ không khuyến khích họ khởi nghiệp tại quốc gia này, đương nhiên họ sẽ tìm tới nơi khác.

Trên thực tế đây chỉ là một chương trình mới nữa trong số các biện pháp mà chính quyền Trump đã áp dụng để ngăn chặn bớt dòng người nhập cư tới Mỹ, bất chấp sự phản đối của các tổ chức doanh nghiệp.

Ngay từ sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump với công dân đến từ 6 quốc gia có phần lớn người dân theo đạo Hồi, một loạt công ty Mỹ đã lên tiếng phản đối.
Hơn 160 hãng công nghệ, trong đó có Amazon, Facebook và Alphabet, đã cùng nhau lên án sắc lệnh hành pháp về nhập cư của ông Trump.

Cùng với đó, cũng chính các hãng công nghệ Mỹ đã phản ứng gay gắt với quyết định hạn chế cấp visa H-1B cho các lao động trình độ cao nước ngoài do chính quyền ban hành.